PHÁP LUẬT VÀ CÔNG NGHỆ MỚI: CẦN NHỮNG CƠ CHẾ CỤ THỂ HƠN

Sự phát triển của công nghệ số tác động mạnh mẽ lên mọi mặt của đời sống, trong đó có hệ thống pháp luật. Trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo, tài sản số… dần xuất hiện trong luật và được ứng dụng trực tiếp vào các hoạt động pháp lý. Hội thảo khoa học “Pháp luật và công nghệ mới” tổ chức tại Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM (UEL) sáng 16/4/2025 đã thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến chuyên sâu.
Theo ThS Lưu Minh Sang - Khoa Luật, UEL, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) tại Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số là một giải pháp pháp lý chính thức nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và bảo vệ người dùng. Tuy nhiên, các quy định về sandbox trong dự thảo luật còn một số điểm hạn chế. Tại Hội thảo ThS Sang cùng các chuyên gia, luật gia, nhà nghiên cứu đã cùng trao đổi thảo luận nhiều vấn đề xoay quanh Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, nhằm hướng tới xây dựng khung pháp lý hỗ trợ sự phát triển của công nghệ vừa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.
Trước vấn đề AI ngày càng phổ biến và giúp ích trong lĩnh vực pháp luật, bạn Đoan Trang - sinh viên năm cuối ngành Luật dân sự bày tỏ sự quan ngại về sự phát triển của AI có thể thay thế các công việc trong lĩnh vực luật. Đồng thời, Đoan Trang cũng đề xuất UEL cần có ngành đào tạo để cử nhân tốt nghiệp có đủ kiến thức và kinh nghiệm trong cả lĩnh vực luật và công nghệ.
“Đây là vấn đề đã được đề xuất và nghiên cứu triển khai tại UEL. Trong thời gian gần nhất chúng tôi sẽ khẩn trương nghiên cứu về việc mở ngành Luật và công nghệ mới” - PGS.TS Ngô Hữu Phước - Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Luật Kinh tế UEL chia sẻ.